Không phải tự nhiên mà khi bạn bước vào một cửa hàng hay siêu thị, bạn sẽ thấy những loại thực phẩm sạch thường sẽ có giá đắt hơn hẳn so với những loại thực phẩm khác. Rau sạch cũng vậy! Nhiều gia đình nghĩ rằng rau tự mình trồng ra chắc chắn là loại rau sạch và đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, nó chỉ đúng nếu như bạn hiểu đúng về khái niệm rau sạch và trồng rau tuân thủ theo đúng nguyên tắc.
Vậy có những loại mô hình rau sạch nào? Ưu nhược điểm của mỗi loại mô hình ra sao? Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Làm Sao Để Trồng Rau Sạch Đúng Nghĩa?
Khái niệm rau sạch phải là rau hội tụ được 3 sạch gồm: đất sạch, nước sạch và các phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng phải sạch. Thuốc bảo vệ thực vật là những loại hóa chất độc hại, giết chết được sâu bọ do đó cũng là chất độc đối với con người.
Xu hướng trồng rau sạch tại nhà hiện đang được nhiều hộ gia đình ưa chuộng, đặc biệt là vào thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là đối với hai thành phố lớn: Hồ Chí Minh và Hà Nội. Việc có thể tự cung tự cấp rau sạch cho gia đình mình đã giúp cho nhiều hộ gia đình bớt đi phần nào gánh nặng về những lo lắng cho nhu cầu thực phẩm sạch hằng ngày.
Nếu như bạn cũng đang mong muốn trồng rau sạch tại nhà thì bạn cần biết, trồng rau chỉ được coi là sạch nếu như bạn tuân thủ các biện pháp và kỹ thuật sau:
Chọn đất: Khu vực đất trồng rau sạch cần phải là đất chưa bị ô nhiễm bởi các kim loại nặng như là thủy ngân, asen…, chưa bị ảnh hưởng bởi chất thải từ công nghiệp do ở các xí nghiệp, nhà máy nước thải chưa được xử lý.
Giảm lượng phân đạm bón cho rau vì phân đạm chứa nitrat. Khi ăn vào, nitrat sẽ chuyển hóa thành nitrit, các loại nguyên tố này kết hợp với các amin sẽ tạo nên các nitro amin gây bệnh, khiến cho tế bào bị giảm hô hấp, ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp, có thể gây ra đột biến và phát triển nhiều khối u, đặc biệt là các em gái sẽ rất dễ bị ngộ độc với nitrat.
Lượng nitrat trong rau sẽ phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật mà bạn trồng rau sạch tại nhà. Nếu bạn bón càng nhiều phân hóa học thì lượng nitrat trong rau sẽ càng lớn. Bón những loại phân đạm có chứa nitrat thì lượng nitrat cao hơn bón phân urê, sulfat đạm. Nếu bạn bón lót sớm, đúng lúc thì lượng nitrat sẽ thấp, còn bón muộn quá trước khi thu hoạch thì lượng nitrat trong rau sẽ cao.
Bón phân hóa học đúng quy định: Một biện pháp giảm nitrat trong rau đó là kết hợp phân hóa học với phân chuồng, phân xanh và phân vi lượng. Bạn nên sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục để có thể làm giảm các mầm bệnh, đặc biệt là đối với những vi sinh vật có hại.
Không sử dụng thuốc trừ sâu: thuốc trừ sâu chứa nhiều gốc hóa học như là DDT, 666, thủy ngân… và đây đều là những chất gây ra độc hại cho cơ thể. Nếu như phun thuốc trừ sâu bừa bãi sẽ làm cho độc tố tồn dư trong đất cao và nguy hại hơn nữa là chúng sẽ có thể hòa tan vào các nguồn nước sinh hoạt cho người sử dụng.
Hiện nay, việc sử dụng phân bón cho rau sạch đang được khuyến khích, như là phân hữu cơ hoai mục, phân vi sinh tổng hợp, ngoài ra cũng khuyến khích ứng dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp (IPM) trong sản xuất nông nghiệp nói chung và với rau nói riêng. Đối với thuốc trừ sâu, không được mua các loại thuốc không ghi rõ nguồn gốc.
Mô Hình Rau Sạch Đem Lại Hiệu Quả Cao
Mô hình khí canh
Khí canh là mô hình trồng rau sạch hiện đại tại nhà và đây là mô hình đang khá phổ biến tại các nước phát triển. Phương pháp này sẽ không sử dụng đất (thổ canh) hay nước (thủy canh), thân hoặc củ của cây rau sẽ được cố định ở trên một tháp trồng.
Rễ cây sẽ nằm lơ lửng trong không khí chứa những thể bụi dinh dưỡng. Các thể bụi này sẽ được phun trực tiếp vào rễ nhờ có hệ thống cảm biến. Bên cạnh đó, nếu như biết cách sắp xếp khéo léo, bạn có thể tận dụng được mô hình trồng rau tại nhà này để trang trí ban công sẽ vô cùng đẹp mắt.
Ưu điểm
- Giúp tiết kiệm được 95% lượng phân bón, giảm việc tiêu thụ nước đến 98% và hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
- Mang lại năng suất cao hơn so với những phương thức canh tác truyền thống.
- Giúp tiết kiệm không gian và diện tích trồng sẽ được nhân lên nhiều lần.
Nhược điểm
- Sẽ tốn khá nhiều trong chi phí đầu tư.
- Cần có được kiến thức chuyên sâu cũng như am hiểu về kỹ thuật trồng rau khí canh.
- Chi phí sản phẩm cao.
- Nếu như ở khu vực nắng nóng, nước và chất dinh dưỡng sẽ dễ bị bốc hơi.
Một số loại rau phù hợp với mô hình khí canh đó là rau muống, súp lơ, rau lang…
Mô hình thủy canh
Hiểu một cách đơn giản, mô hình trồng rau thủy canh là mô hình canh tác với nước. Đây là một mô hình trồng rau sạch tại nhà không cần sử dụng đất, rất thích hợp cho những hộ gia đình sinh sống ở thành phố và có diện tích sân thượng.
Có 4 mô hình trồng rau sạch thủy canh hiện nay đó là: thủy canh hồi lưu, thủy canh khí lưu, thủy canh tĩnh và thủy canh tưới nhỏ giọt trên nền giá thể.
Với phương thức thủy lưu, rau sẽ được trồng hoàn toàn bằng nước, trong nước có chứa các ion khoáng hóa và các chất dinh dưỡng giúp cho cây có thể phát triển. Hiện nay, mô hình trồng rau thủy canh được ứng dụng rất phổ biến tại nhiều trang trại rau sạch và cũng được ứng dụng để chăm sóc cây cảnh ở Việt Nam.
Ưu điểm
- Hạn chế được lượng lớn nguồn mầm bệnh từ đất trồng vì không cần sử dụng đến đất.
- Giúp tiết kiệm tối đa nguồn nước và dinh dưỡng nhờ vào hệ thống máy bơm luân chuyển tuần hoàn.
- Có Tính tự động hóa và ít tốn công chăm sóc.
- Sản phẩm sau khi thu hoạch đảm bảo được an toàn vệ sinh, không chứa những dư lượng thuốc trừ sâu hoặc thuốc tăng trưởng.
Nhược điểm
- Chi phí cao cho các trang thiết bị hiện đại để có thể vận hành mô hình trồng cây thủy canh.
- Luôn phải quan sát lưu chuyển dung dịch dinh dưỡng thủy canh xuyên suốt trong quá trình trồng để giúp cho cây không bị thiếu dinh dưỡng hay ngập úng rễ,…
- Chỉ những loại rau thích nghi được với môi trường nước mới có thể áp dụng được phương pháp thủy canh như là: xà lách, cải cầu vồng, cải xanh…
Mô hình Aquaponics
Mô hình trồng rau sạch Aquaponics là một sự kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và thủy canh dựa vào sự vận hành của tự nhiên. Rau trồng từ mô hình này sẽ giúp lọc sạch nguồn nước giúp cho cá phát triển, và nước từ dưới hồ sẽ được bơm ngược lên để tưới rau. Bên cạnh đó, chất thải của cá chính là một nguồn dinh dưỡng cho rau trồng được tăng trưởng an toàn.
Ưu điểm
- Chất lượng rau củ xanh, sạch, tốt.
- Rau trồng được tươi ngon hơn.
- Cá và các loại thủy sản sẽ đồng thời được tăng trưởng mạnh, đạt năng suất tốt.
- Thích hợp cho những gia đình có không gian nhỏ.
Nhược điểm
- Chi phí đầu tư cho trang thiết bị cao.
- Cần phải có kiến thức chuyên môn về trồng rau, nuôi cá, vi khuẩn…
- Nguồn điện cần được hoạt động liên tục và ổn định.
- Luôn luôn phải giám sát hằng ngày.
Một số loại rau phù hợp với mô hình Aquaponics đó là rau diếp, xà lách, basi…
Lưu Ý Khi Trồng Rau Sạch Tại Nhà
Hiện nay, việc trồng rau sạch không còn là điều quá khó khăn với những hộ gia đình ở thành phố lớn. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý một số điều khi trồng rau sạch tại nhà:
Chọn một không gian thích hợp để trồng rau: Việc lựa chọn một không gian thích hợp thông thoáng, nhận được đủ ánh nắng mặt trời, tiện lợi gần nguồn nước sẽ làm tăng hiệu quả của việc trồng rau sạch và đồng thời cũng tiết kiệm thời gian cho bạn.
Khi bạn chọn được một không gian thích hợp cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn mô hình trồng rau sạch phù hợp với gia đình bạn.
Lựa chọn chậu trồng rau sạch phù hợp: Nếu như bạn trồng rau bằng phương pháp thủy canh thì bạn sẽ cần xây dựng một giàn khung và ống nhựa để trồng, còn nếu bạn trồng rau theo mô hình và phương pháp truyền thống thì việc lựa chọn chậu lại khá quan trọng, cần chọn sao cho tiết kiệm diện tích đất cũng như phù hợp với quá trình sinh trưởng của từng loại rau.
Bắt đầu với loại rau dễ trồng, trong quy mô nhỏ: Khi mới bắt đầu trồng rau tại nhà, vì chưa có kinh nghiệm nên bạn nên lựa chọn những loại rau dễ trồng như là rau mầm hoặc rau ăn lá…Trồng những loại rau này tránh cho bạn những rủi ro và đồng thời bạn cũng sẽ có kinh nghiệm hơn trong việc trồng rau sạch và khiến rau phát triển tốt.
Ngoài ra, trồng rau với quy mô nhỏ cũng sẽ làm giảm đi sự rủi ro trong việc phát sinh kinh phí làm vườn.
Hạt giống và đất sạch trồng rau: Đây là hai yếu tố cần chuẩn bị thật tốt, bị chúng quyết định nên sự thành công của việc trồng rau sạch của bạn. Có được những hạt giống chất lượng cũng như đất tốt sẽ đảm bảo sẽ giúp cho bạn và gia đình có một vườn rau khỏe mạnh.
Tưới cây thường xuyên: Việc tưới cây là việc làm rất quan trọng và cần được tuân thủ theo nguyên tắc: Tưới vào sáng sớm hoặc chiều tối. Ngoài ra, bạn nên tưới bằng bình tưới hoa sen hoặc bình phun sương, và vào những thời điểm nắng nóng nên tưới nhiều hơn.
Thu hoạch: Trong quá trình thi hoạch, có một số loại rau cần sử dụng kéo như là rau muống, mồng tơi, rau đay.. với mục đích đó là để không dập thân nhanh và cũng kích thích để rau dễ mọc trở lại hơn.
Phải rửa sạch sẽ trước khi ăn: Mặc dù là rau tự trồng tại nhà nhưng rau vẫn cần phải rửa sạch sẽ. Rất nhiều người chủ quan rằng rau nhà trồng nên sạch và không cần phải rửa kỹ.Trên thực tế, ngay cả khi bạn không sử dụng các loại phân bón kích thích hay phun thuốc thì bạn cũng nên rửa kỹ vì có thể sẽ xuất hiện một số loại ký sinh trùng trong đất bám vào.
Tái sử dụng đất trồng: Để có thể tái sử dụng đất, bạn nên nhặt hết các loại lá và rễ của rau cũ, rồi sau đó phơi đất dưới nắng 4,5 ngày để diệt hết mầm bệnh. Và tiếp đến hãy trộn thêm đất dinh dưỡng để có thể tái sử dụng cho đợt sau.
Bài viết trên đây đã giới thiệu đến bạn các mô hình rau sạch đang được lựa chọn và sử dụng nhiều nhất hiện nay. Hy vọng với những thông tin trên bạn đã có thêm những kiến thức bổ ích về việc lựa chọn được một mô hình trồng rau sạch phù hợp cho gia đình bạn hoặc cho kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất.